Cách học chữ Kanji cho người mới bắt đầu hiệu quả cao

0
83
Cách học chữ Kanji cho người mới bắt đầu

Đối với những ai mới bắt đầu học tiếng Nhật, Kanji được xem là “nỗi sợ kinh hoàng”. Do đó, nhiều người đang tìm cách học chữ Kanji cho người mới bắt đầu sao cho đạt hiệu quả nhất. Nếu bạn cũng đang lo lắng nên học Kanji như thế nào cho ghi nhớ nhanh và lâu thì nhất định phải đọc nội dung bài viết dưới đây của chúng tôi nhé.

Khái quát về chữ Kanji

Sau khi học xong hai bảng chữ cái Hiragana và Katakana, bạn sẽ được học bảng chữ cái khó nhất trong tiếng Nhật đó là Kanji (chữ Hán).

Khi học tiếng Nhật bạn có thể thấy, có 80% văn bản là chữ Hán, phần còn lại là chữ Hiragna và Katakana. Đây cũng là đặc điểm chung của các văn bản trong tiếng Nhật. Liệu bạn có đang thắc mắc tại sao người Nhật lại dùng Kanji nhiều đến như vậy không? Lí do được cho là vì người Nhật dùng chữ Hán để khắc phục hiện tượng đồng âm khác nghĩa và rút ngắn độ dài trong câu.

Mỗi chữ Kanji thường có 2 âm đọc đó là âm On (On-yomi) và âm Kun (Kun-yomi). Vậy hai âm này có gì khác biệt?

  • Khi đứng cùng các chữ Kanji khác thì sẽ được đọc theo âm On
  • Nhưng nếu chữ Kanji đứng một mình hoặc với Hiragana thì sẽ đọc theo âm Kun.

Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ sau:

Ví dụ:

Âm On và âm Kun của chữ Kanji

Chắc chắn rồi, bạn sẽ cần phải học thuộc 2000 chữ Kanji để có thể đọc hiểu sách báo tiếng Nhật. Đối với trình độ sơ cấp N5, bạn cần học 100 – 150 chữ. Với khối lượng từ nhiều như vậy, để đạt được hiệu quả cao nhất ngay từ lúc đầu, việc lựa chọn cách học chữ Kanji phù hợp với bản thân mình là điều hết sức quan trọng.

Cách học chữ Kanji cho người mới bắt đầu siêu hiệu quả

Học Kanji bằng Flashcards

Flashcards gồm những tấm card khổ nhỏ hợp thành một bộ, mỗi tấm card đều sử dụng được cả mặt trước và mặt sau. Bạn có thể tự làm flashcards hoặc mua sẵn.

  • Mặt trước: Dùng để viết chữ Kanji.
  • Mặt sau: Dùng để ghi âm Hán Việt hoặc âm On-Kun và các từ liên quan.

Cách học:

Với phần mặt chữ có chứa chữ Kanji, đọc lên nghĩa, âm Hán Việt và các từ liên quan đến nó. Bạn hãy kích thích trí nhớ đến mức có thể tìm ra đáp án trước khi lật mặt sau. Tiếp đến, luyện tập cách viết Kanji bằng cách nhìn mặt âm Hán Việt trước. Sau đó luyện tập xuôi và ngược luân phiên nhau để có kết quả ghi nhớ tốt nhất.

Một số lưu ý khi dùng Flashcards:

  • Không nên đưa quá nhiều thông tin vào trong tấm Flashcard.
  • Vẽ hình minh họa hoặc cắt dán hình từ các tạp chí lên Flashcards. Việc trang trí sinh động giúp học bài nhanh thuộc hơn.
  • Mang theo Flashcards bên mình: Tạo thói quen học chữ Kanji mỗi ngày.
  • Hoán đổi vị trí các tấm flashcard sau mỗi lần ôn tập. Nếu bạn hay ghi nhớ thông tin theo thứ tự sắp đặt sẽ khiến bạn khó để nhớ được thông tin khi nó ở trong 1 tình huống khác.
  • Đánh dấu Flashcards: Đánh dấu tấm flashcard đã ghi nhớ, sau 2-3 lần đánh dấu những tấm flashcard bạn có thể gạt sang một bên và ôn lại sau khoảng thời gian dài. Đối với các flashcard chưa nhớ thì nên dành thời gian xem lại nhiều lần hơn.

Ưu điểm khi học flashcard: Thiết kế nhỏ gọn, thuận tiện khi có thể mang đi bất cứ đâu.

Nhược điểm: Tốn thời gian để ghi nội dung lên các tấm thẻ.

Học Kanji bằng cách liên tưởng

Liên tưởng hình sang chữ

Chữ Kanji có nguồn gốc là chữ tượng hình được người xưa tạo nên bằng cách tưởng tượng dựa vào hình ảnh đời sống. Do đó, một trong những cách học chữ Kanji thú vị là liên tưởng và so sánh chữ theo sự vật, hiện tượng xung quanh.

Ví dụ minh họa:

Liên tưởng sự vật thành chữ Kanji
Liên tưởng sự vật thành chữ Kanji

Từ ví dụ trên bạn có thể thấy, những thửa ruộng vuông vức hay cái cây. Sau khi giản lược các nét ta có kết quả cuối cùng là chữ Kanji “Điền” và “Mộc”. Dựa vào cách liên tưởng này, bạn vừa nhớ được mặt chữ, vừa nắm được nghĩa của chữ Hán đó.

Liên tưởng chữ sang hình

Dựa theo nghĩa của chữ Kanji, hãy liên tưởng đến hình ảnh và câu chuyện sao cho hợp lý nhất với nghĩa của từng chữ. Những câu chuyện càng thú vị, đặc sắc thì càng dễ in sâu vào trong trí nhớ của bạn hơn. Phần thú vị của phương pháp này đó là không có đáp án chuẩn, vì nó phụ thuộc vào trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của từng người.

Ví dụ chữ Thời
Ví dụ chữ Thời

Với chữ Thời trên đây, bạn có thể liên tưởng như sau: Người xưa đã quan sát hiện tượng “Mặt trời” chiếu xuống que trên mặt “Đất”, sau đó dựa vào “Bóng chiếu” để biết được “Thời gian”.

Ưu điểm: Thông qua việc liên tưởng, từ một chữ Kanji qua các hình ảnh sinh  động sát với nghĩa của từ, bạn sẽ hiểu được chữ Kanji và có thể học tốt, ghi nhớ lâu.

Nhược điểm: Chủ yếu áp dụng khi học chữ Knaji sơ cấp N5 và N4. Nếu lên N3, N2, N1 thì phức tạp hơn và không dễ dàng để liên tưởng.

Học Kanji bằng cách viết và viết

Luyện viết là phương pháp học truyền thống mà bất kỳ một ngôn ngữ nào cũng có thể áp dụng được.

Cách học:

  • Bạn hãy chuẩn bị cho mình một quyển vở để viết Kanji (nên dùng vở ô ly).
  • Luyện viết nhiều lần chữ Kanji cần học. Trong khi viết có thể viết kèm cả âm On và Kun. Nên kết hợp vừa viết vừa đọc to chữ đó để ghi nhớ được lâu hơn.
  • Nên viết và kết nối các chữ Kanji thành từ hay câu có nghĩa. Trong quá trình học ngữ pháp hay luyện viết đoạn văn, cố gắng viết Kanji nhiều nhất có thể với những từ mình đã học được.

Ưu điểm: Luyện được cách viết, nhớ được nghĩa và mặt chữ. Nếu cần viết chữ Hán bạn có thể viết được luôn mà không cần phải suy nghĩ nhiều và chữ Hán này nằm trong trí nhớ lâu dài của bạn.

Nhược điểm: Luyện viết mất nhiều thời gian hơn. Những chữ học lúc đầu nhớ lâu và nhanh nhưng về sau khi học nhiều Kanji hơn có thể bị nhầm lẫn giữa các chữ có nét tương tự. Cách học này cũng nhanh nhàm chán và buồn ngủ.

Học Kanji qua bộ thủ

Bộ thủ chính là thành phần cơ bản cấu tạo nên chữ Kanji, bản thân nó cũng là chữ Kanji. Nhưng cũng có những bộ thủ biến đổi khác với chữ ban đầu.

Ví dụ minh họa: 水 → 氵, 人 → 亻. Mỗi chữ Kanji được ghép bởi hai hoặc nhiều bộ thủ khác nhau. Với tổng cộng 214 bộ thủ trong tiếng Nhật, mỗi bộ đều có ý nghĩa riêng biệt.

Việc nắm chắc các bộ thủ sẽ giúp ích nhiều cho việc ghi nhớ và đoán nghĩa chữ Kanji.

Ví dụ minh họa: Những chữ có bộ Thủy [ 氵] nghĩa là Nước – thường liên quan đến nước, sông, hồ,… Bộ Tâm [ 忄] nghĩa là Trái tim – thường liên quan đến tình cảm, cảm xúc. Nếu ở trình độ sơ cấp, bạn không cần phải học hết 214 bộ thủ, chỉ cần ghi nhớ khoảng 30 bộ thủ cơ bản là có thể áp dụng tốt vào việc học chữ Kanji rồi.

Cách học:

  • Với một chữ Kanji, bạn hãy phân tích thành các bộ thủ nhỏ, dựa vào nghĩa của các bộ thủ để suy ra nghĩa của từ đó.
  • Lọc các chữ Kanji có bộ thủ giống nhau rồi tìm ra điểm tương đồng trong nghĩa của các chữ.

Ưu điểm: Khi đã nắm được bộ thủ, khi học lên cao bạn hoàn toàn dễ dàng phân tích được chữ Kanji. Bằng cách đó, bạn dễ nhớ nghĩa hơn và cũng dễ viết lại. Hơn nữa, khi đi thi có thể dựa vào bộ thủ để đoán nghĩa, chọn đáp án chính xác.

Nhược điểm: Phương pháp này thích hợp với các chữ Kanji có tính phức tạp ở trình độ Trung cấp và Cao cấp vì được ghép bởi nhiều bộ thủ. Nhưng so với trình độ sơ cấp còn phức tạp gấp nhiều lần.

Ghi nhớ bằng âm Hán Việt

Đây là cách học gần gũi nhất của người Việt, do ngày xưa Việt Nam cũng sử dụng chữ Hán. Trong cuộc sống hiện nay, chữ Hán Việt vẫn chiếm khoảng 75% số lượng từ vựng trong tiếng Việt. Do đó, nhiều từ vựng trong tiếng Nhật khi đọc âm Hán Việt gần giống với nghĩa tiếng Việt.

Ví dụ minh họa:

Kanji Âm Hán Việt Nghĩa
学生 Học sinh Học sinh
救急車 Cứu cấp xa Xe cấp cứu
国際大学 Quốc tế đại học Đại học quốc tế

Cách học:

  • Bất cứ lúc nào học chữ Kanji mới thì cũng phải tìm cách ghi nhớ luôn âm Hán Việt của chữ Kanji đó.
  • Kết hợp với ôn tập bằng flashcards để có hiệu quả tốt nhất
  • Kiểm tra lại âm Hán Việt toàn bộ các chữ mình đã học bằng bảng âm Hán Việt như dưới đây.
Bảng chữ Kanji bao gồm âm Hán Việt
Bảng chữ Kanji bao gồm âm Hán Việt

Lưu ý: Mỗi chữ Kanji đi kèm với 1 âm Hán Việt, nhưng 1 âm Hán Việt lại có nhiều nghĩa, nhiều chữ.

Ưu điểm: Với lợi thế chữ Hán Việt có sẵn trong tiếng Việt, bạn dễ dàng nhanh thuộc chữ Kanji và có tính ứng dụng cao khi đọc văn bản. Khi gặp một từ mới nào đó, nếu biết âm Hán Việt bạn có thể không biết cách đọc nhưng vẫn đoán được nghĩa. Nhưng cũng có một số trường hợp ngoại lệ.

Nhược điểm: Không phải chữ Hán Việt nào cũng có âm Hán Việt sát với nghĩa của từ, nên khi học cũng phải chú ý với những chữ đó. Đặc biệt, bạn cũng ên đánh dấu những trường hợp đặc biệt kẻo sử dụng lại sai.

Những lưu ý khi học chữ Kanji

Học đúng thời điểm: Nhiều người cố gắng học nhồi nhét trong khoảng thời gian ngắn. Theo nghiên cứu chỉ ra về khả năng quên của não bộ con người, trung bình với 1 từ mới học nếu không ôn tập sau một ngày khả năng quên là 70%. Do đó, mấu chốt của việc ghi nhớ không phải là học thật nhiều mà hãy học đúng thời điểm.

Học chữ Kanji nên học đúng thời điểm
Học chữ Kanji nên học đúng thời điểm

Đừng cố ép mình nhớ tất cả âm On-Kun của mỗi chữ: Đừng tập trung quá nhiều thời gian vào việc học hết tất cả âm On và Kun của mỗi chữ do có nhiều âm On-Kun không hay được sử dụng. Thay vì học riêng lẻ từng chữ thì bạn có thể học theo từng từ mới liên quan đến chữ Kanji đó, dần dần sẽ tự mình rút ra được quy luật đọc của chữ.

Trên đây là bài viết cách học chữ Kanji cho người mới bắt đầu hiệu quả, nhanh thuộc mà chúng tôi muốn giới thiệu đến với bạn đọc. Hi vọng với những chia sẻ này phần nào giúp ích cho bạn trong quá trình học tập.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here