Trong phần ngữ pháp Minna no Nihongo Bài 20 bạn đọc sẽ được tìm hiểu Thể văn lịch sự và thể văn thông thường, thể văn thông thường hay thể văn lịch sự, hội thoại bằng thể thông thường, けど. Hãy cùng nhau tìm hiểu ngay nhé!
Tổng hợp ngữ pháp Minna no Nihongo Bài 20
1. Thể văn lịch sự và thể văn thông thường
Trong tiếng Nhật có 2 cách nói: cách nói lịch sự và cách nói thông thường.
Các danh từ, tính từ đuôi い , tính từ đuôi な, động từ được sử dụng như vị ngữ của câu từ trước đến nay đều được đặt ở cuối câu có です (hay các biến thể của です:でした、じゃありません、じゃありませんでした)、ます (hay các biến thể của ます:ました、ません、ませんでした) đi theo sau. Câu văn tận cùng là です、ます và các biển thể của chúng thì được gọi là thể văn lịch sự.
Ví dụ:
- わたしは すしを たべたいです。 : Tôi muốn ăn Sushi.
- にほんへ いったことが ありません。 : Tôi chưa từng đi Nhật.
Các câu văn có です、ます(ません)ở cuối câu được gọi là thể văn lịch sự. Câu văn mà ở cuối câu không có です、ます hay các biến thể của chúng được gọi là thể văn thông thường.
Chú ý: ~ください tuy không có です、ます ở cuối câu nhưng vẫn là thể văn lịch sự.
2. Sử dụng thể văn thông thường hay thể văn lịch sự?
Thể văn lịch sự được sử dụng bất cứ lúc nào, nơi đâu hay bất kỳ ai. Thể lịch sự được sử dụng nhiều nhất ở hội thoại hằng ngày giữa những người không thân thiết với nhau. Thể văn lịch sự cũng được sử dụng khi bạn nói chuyện với ai đó mới gặp lần đầu, người trên hay thậm chí là những người cùng độ tuổi nhưng không thân thiết. Thể lịch sự cũng được sử dụng khi ai đó nói với người ít tuổi hơn, cấp bậc thấp hơn nhưng không có quan hệ thân thiết.
Thể văn thông thường được sử dụng khi nói chuyện với bạn thân, bạn học hay những người thân trong gia đình. Bạn cần phải biết rõ mối quan hệ giữa mình với người đang nói chuyện như thế nào (tuổi tác, mức độ thân thiết,…) để xem khi nào nên sử dụng thể văn thông thường sao cho phù hợp. Nếu bạn sử dụng thể văn thông thường không đúng trường hợp thì sẽ bị hiểu nhầm là thất lễ nên hãy lưu ý nhé.
Thể văn thông thường được sử dụng nhiều trong văn viết như sách, báo, nhật kí…đều được viết ở thể văn thông thường. Thể văn lịch sự được viết trong thư từ, email phỏng vấn,…
3. Hội thoại bằng thể thông thường
- Trong câu hỏi thì lược bỏ か đi. Để thể hiện đó là câu hỏi thì ta sẽ lên giọng ở cuối câu.
- Trong câu nghi vấn danh từ hoặc tính từ đuôi な, thì ngoài か、chữ だ- thể thông thường của です cũng được giản lược. Trong câu trả lời khẳng định, lược bỏ chữ だ hoặc thêm một trờ từ cuối câu làm cho âm điệu trở nên nhẹ nhàng hơn. Đối với con gái hầu như không sử dụng だ.
- Trong thể văn thông thường, các trợ từ tất yếu có thể lược bỏ nếu như ý nghĩa của câu đó đã rõ ràng. Tuy nhiên, đối với những trợ từ khác như で、に、から、まで、と,… thường không được lược bỏ vì nếu không có chúng thì nghĩa của câu không rõ ràng.
- Trong thể thông thường thì âm い trong “thể て+いる” thường bị lược bỏ.
4. けど
けど có chức năng giống với が, dùng để nối hai mệnh đề với nhau. Nó thường được sử dụng trong các hội thoại. けど có thể đi cùng với thể văn thông thường lẫn thể văn lịch sự. Khi đi với thể văn lịch sự, trước けど phải có です.
Ví dụ:
A : その カレーライス(は) おいしい?: Món cơm cari kia ngon không?
B : うん、からいけど、おいしい。: Có, hơi cay nhưng mà ngon.
Trên đây là bài viết tổng hợp ngữ pháp Minna no Nihongo Bài 20 mà chúng tôi giới thiệu đến với bạn đọc. Hi vọng với những chia sẻ trên phần nào giúp bạn có thêm kiến thức bổ ích.
>>> Đọc thêm: Từ vựng bài 20 Minna no Nihongo